Tất cả những Hiệp định đó đặt Việt Nam vào môi trường cạnh tranh khốc liệt, trong đó có các lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do hơn và, trong trường hợp AEC kể cả lực lượng lao động. Tham gia các Hiệp định đó, đặc biệt khi tham gia EVFTA và TPP, Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với các nước có nền kinh tế hùng mạnh, hiêu quả cao, vốn lớn, công nghệ hiện đại và quản trị tiên tiến. Nhưng so với phần lớn các nước đó, Việt Nam thuộc hạng kém phát triển nhất. Đó là thách thức vô cùng khắc nghiệt đòi hỏi Việt Nam phải có ý chí và quyết tâm cao, cải cách chính trị mạnh mẽ đồng thời với việc tiếp tục đổi mới sâu rộng về kinh tế, trong đó có đổi mới về thể chế của nền kinh tế và hoạt động khoa học và công nghệ.
Theo Báo cáo “ Đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam” cuối năm 2014 của Ngân hàng Thê giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì nhìn chung hiện trạng của nền khoa học và công nghệ Việt Nam, tuy có được cải thiện ít nhiều trong những năm gần đây, nhưng vẫn đang ở tình trạng yếu và kém. Một nghiên cứu quốc tế vào cuối năm 2014 cho kết quả là về trình độ công nghệ Việt Nam đứng thứ 89/125 nước được khảo sát.
Từ cơ sở hạ tầng, chất lượng dạy và học cho tới năng lực nghiên cứu của doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu nhà nước cũng như việc quản lý nhà nước, thực hiện chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đều được đánh giá là yếu và kém. Nền giáo dục nước nhà là cơ sở cơ bản cho việc đào tạo nhân lực, nhưng từ nhiều năm nay đang ở trong tình trạng khủng hoảng, các trường day nghề và trung học chuyên nghiệp bị tách khỏi hệ thống giáo dục chung và có vẻ như không thực sự được quan tâm của nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.
Một nền sản xuất cần những lao động tay nghề cao, nhưng trang bị của các trường dạy nghề và trung cấp phần lớn rất lạc hậu, vả lại hình như trong xã hội không mấy ai nghĩ rằng con mình nên đi học nghề, coi học nghề là không danh giá. Hệ thống các trường cao đẳng và đại học trong những năm gần đây phát triển nhanh về số lượng, về chất lượng thì ngày càng kém đi, trừ một số trường công lập lớn và tương đối có uy tín, và quan trọng nhất là không đáp ứng được yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Minh chứng cho điều đó là hiện nay có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp, thậm chí thạc sĩ không có việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, thì than vãn là không tuyển được lao động có tay nghề đáp ứng được nhu cầu của họ. Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn chỉ là hoạt động thêm thắt trong các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Khu vực doanh nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng chi R&D.
Theo báo cáo trên, có rất ít doanh nghiệp thực hiện R&D, mức độ đổi mới sáng tạo còn thấp và sự kết nối với hoạt động nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu công lập còn yếu. Trong khi đó, các cơ quan nghiên cứu nhà nước dù đã trải qua nhiều thay đổi, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động đối với các tổ chức R&D vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Nhiều phòng thí nghiệm và đơn vị R&D chồng chéo mà phần lớn trong số đó không đạt quy mô tối ưu, thiếu nguồn lực và vẫn chưa gần với người sử dụng cuối cùng tức là các nhà sản xuất. Nguồn lực, vấn đề then chốt đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo báo cáo, cũng đang tồn tại nhiều hạn chế bởi hệ thống giáo dục và đào tạo nặng về lý thuyết hoặc đã quá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Nhìn chung ở Việt Nam mối quan hệ gắn bó giữa các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp vô cùng yếu kém. Có vẻ như cho đến nay các nhà khoa học Việt Nam chưa sáng tạo ra được một công nghệ nào có tầm cỡ quốc gia và có khả năng xuất khẩu. Việc nâng cấp các công nghệ nhập khẩu cũng không mấy hiệu quả. Trong khi đó thì có một điều trớ trêu là nhiều nông dân không được đào tạo bài bản lại có những sáng chế, cải tiến các nông cụ rất hiệu quả trong sản xuất và nhân được các giải thưởng của Hội thi sáng tạo kĩ thuật của Bộ KH&CN và Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam, một số trong đó còn đăng kí bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo của mình.
Nhiều trí thức Việt kiều và công dân Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài trong các lĩnh vực R&D cũng có những thành công đáng nể. Những điều đó chứng tỏ rằng các chính sách kinh tế, chính sách khoa học và công nghệ của Việt Nam ta chưa khuyến khích các hoạt động R&D, chưa khuyến khích hoạt động sáng tạo nói chung. Đúng như nhận xét trong báo cáo nêu trên của WB và tổ chức OECD “vấn đề quản trị hệ thống đổi mới sáng tạo của việt Nam cũng đầy bất cập khi thiếu các cam kết, sự phối hợp và thực hiện chính sách của chính phủ một cách hiệu quả”.
Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hiện nay, Việt Nam buộc phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Và điều này, đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước. Tất nhiên đây là một bài toán phức tạp đì hỏi phải thực hiên nhiều giải pháp đồng bộ. Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và hoạt động sáng tạo tại Việt Nam WB và OECD cần phải cải thiện hơn những yếu tố sau:
Cải thiện khuôn khổ thể chế về đổi mới sáng tạo: Khung kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh chung, quy chế thị trường sản phẩm, mức độ cạnh tranh, độ mở thương mại và đầu tư nước ngoài, tài trợ kinh doanh, hệ thống thuế, trình độ và chất lượng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng là những điều kiện cần thiết về mặt thể chế sẽ tác động lên hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Tăng cường quản trị công trong hệ thống đổi mới sáng tạo: Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc đề ra định hướng ưu tiên phát triển kinh tế và xã hội trong dài hạn, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, đảm bảo cho các tổ chức nhà nước vận hành tốt và các bộ phận trong hệ thống đổi mới sáng tạo gắn kết với nhau và tạo ra một chỉnh thể thống nhất.
Tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo: Việt Nam cần đảo chiều việc chảy máu chất xám thành thu hút chất xám, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chú trọng hơn nữa đến năng lực kinh doanh và các kỹ năng mềm, thúc đẩy trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu của nhà nước và khu vực doanh nghiệp.
Đẩy mạnh sáng tạo trong các doanh nghiệp: Việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp đòi hỏi phải cải thiện khuôn khổ thể chế và các biện pháp chính sách hướng tới đổi mới sáng tạo, cũng như các biện pháp thu hút và liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Nâng cao mức độ đóng góp của các cơ quan nghiên cứu nhà nước: Chính sách đối với các trường đại học và cơ quan nghiên cứu nhà nước nên tập trung vào việc làm cho các kết quả nghiên cứu của họ gắn với nhu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động, giải quyết những hạn chế về nguồn lực và định hướng cũng như hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu công một cách có hiệu quả.
Tăng cường các mối liên kết trong đổi mới sáng tạo: Cần tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu của nhà nước.
Xác định đúng và trúng cũng như thực hiện tốt những nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sẽ góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ nước nhà và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như quốc gia trong quá trình thực hiện AEC, EVFTA và TPP./.