Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng đến với diễn đàn công nghệ - thiết bị tỉnh Quảng Nam
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Dự án được Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia tài trợ

Người đăng: Quản trị techmart Ngày đăng: 16:36 | 28/08 Lượt xem: 2559

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Tên giao dịch quốc tế là National Technology Innovation Fund, viết tắt là NATIF) được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 05 tháng 08 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 03 tháng 07 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ về Tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Quỹ là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ

1. Dự án được Quỹ tài trợ:

a) Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới;

b) Ươm tạo công nghệ; sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới;

c) Đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, ứng dụng công nghệ;

d) Chuyển giao, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia.

2. Dự án được Quỹ cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn:

a) Chuyển giao công nghệ được khuyến khích chuyển giao (gồm cả chuyển giao công nghệ tại Việt Nam và từ nước ngoài vào Việt Nam)  theo Điều 9 của Luật Chuyển giao công nghệ;

b) Ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

c) Phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

d) Chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nguyên tắc xét chọn các nhiệm vụ 

1. Kết quả của nhiệm vụ đem lại hiệu quả và tác động rõ rệt cho đổi mới công nghệ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; có tác động lan tỏa cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

2. Chủ trì nhiệm vụ phải có quyết định chủ trương đầu tư thực hiện nhiệm vụ.

3. Quỹ tài trợ một phần trong tổng thể các hoạt động chủ yếu của đổi mới công nghệ. Chủ trì nhiệm vụ phải đảm bảo nguồn vốn để thực hiện được tổng thể các hoạt động chủ yếu của đổi mới công nghệ, nguồn vốn đối ứng thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ để đạt được các mục tiêu đề ra của đổi mới công nghệ.

4. Nội dung của nhiệm vụ không trùng lắp với các nhiệm vụ được thực hiện bằng nguồn vốn của Quỹ hoặc nguồn vốn khác của Nhà nước.

5. Ưu tiên xét chọn các nhiệm vụ phục vụ các dự án, đề án, kế hoạch, chương trình theo đề xuất đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ, ngành, địa phương; có tác động lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành, lĩnh vực, địa phương; chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; các nhiệm vụ thuộc nội dung của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết; nhiệm vụ thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo ra sản phẩm dựa trên công nghệ mở, phần mềm mã nguồn mở; sử dụng sản phẩm dựa trên công nghệ mở, phần mềm mã nguồn mở.        

6. Nhiệm vụ phải đảm bảo thực hiện đầy đủ theo các nguyên tắc chung đã được quy định tại Điều này và các tiêu chí riêng cho từng loại nhiệm vụ được quy định tại Thông tư này.

Tiêu chí chung cho các dự án tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới

Dự án tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Có báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch sản xuất và kinh doanh rõ ràng, đặc biệt bảo đảm sản phẩm chiếm tỷ lệ nhất định ở thị trường trong nước, nước ngoài hoặc tạo được thị trường mới;

2. Có chiến lược và năng lực marketing; năng lực quản lý dự án, quản lý tài chính; kế hoạch đầu tư để nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực liên doanh liên kết với các đối tác về đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ;

3. Việc thực hiện dự án góp phần tăng tối thiểu 10% giá trị gia tăng của sản phẩm;

4. Giá trị gia tăng của sản phẩm phải đạt cao hơn giá trị giá tăng theo thống kê của Tổng cục thống kê đối với sản phẩm, nhóm sản phẩm tương tự (nếu có).

Trong trường hợp đặc biệt, do yêu cầu của các dự án liên quan đến dịch bệnh, thiên tai, an sinh xã hội, dự án ở địa bàn nông thôn, miền núi đặc biệt khó khăn, Hội đồng quản lý Quỹ trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định mức tối thiểu về giá trị gia tăng và giá trị tăng thêm của giá trị gia tăng cho từng sản phẩm, dịch vụ của dự án;

 5. Hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế theo từng chuyên ngành;

6. Bảo đảm tài chính, huy động và sử dụng vốn rõ ràng và hợp lý.

Tiêu chí dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này. 

2. Có đội ngũ và phương tiện phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ.

3. Đối với dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của doanh nghiệp chủ trì dự án  phải cam kết đầu tư bình quân trong 3 năm liền bằng nguồn vốn tự có của chủ trì dự án cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm của dự án và từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu của dự án.

Tiêu chí dự án ươm tạo công nghệ   

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 5 của Thông tư này.

2. Người chủ trì dự án có ý tưởng công nghệ, kinh doanh ý tưởng công nghệ hoặc có văn bản cho phép thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

3. Chủ trì dự án có đội ngũ chuyên gia công nghệ, năng lực hợp tác và huy động được đội ngũ chuyên gia quản lý, chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản lý và quản trị doanh nghiệp, marketing.

Tiêu chí dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới  

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Phải có kết quả nghiên cứu do chủ trì dự án đã tiến hành và được nghiệm thu hoặc văn bản cam kết hợp tác sử dụng kết quả nghiên cứu của tổ chức, doanh nghiệp khác cho sản xuất thử nghiệm.

3. Kế hoạch sản xuất thử nghiệm đồng bộ với các hoạt động khác của dự án đổi mới công nghệ. 

Tiêu chí dự án đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, ứng dụng công nghệ

1. Tổ chức, doanh nghiệp chủ trì tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải bảo đảm các điều kiện sau:           

a) Có bộ máy tổ chức và quản lý khóa học chuyên nghiệp; đội ngũ giảng viên có trình độ, giảng dạy và kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng kiến thức; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo yêu cầu đào tạo; đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên có nghiệp vụ chuyên môn, được cập nhật kiến thức mới;

b) Có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu đào tạo về sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, thông tin dưới dạng điện tử và phương tiện điện tử phục vụ tra cứu, tham khảo;

c) Có quan hệ hợp tác với các cơ sở trong nước và nước ngoài phục vụ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức;

d) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu trên cơ sở điều tra, khảo sát yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; được bổ sung, điều chỉnh, cập nhật trên cơ sở tham khảo chương trình tiên tiến của tổ chức đào tạo nước ngoài, các ý kiến phản hồi từ nơi cử học viên đi học và doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức;

đ) Có nghiên cứu khả thi và kế hoạch hoạt động cho từng khóa học được phê duyệt.

2. Tổ chức, doanh nghiệp cử học viên đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc cá nhân tham gia đào tạo phải:

a) Đóng góp một phần kinh phí đào tạo; 

b) Có văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ;

c) Sử dụng cán bộ được cử đi đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới theo kế hoạch.     

Tiêu chí dự án chuyển giao, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Công nghệ phải là công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến so với khu vực ASEAN.

3. Dự án tạo động lực phát triển triển ngành, lĩnh vực, phát huy tối đa lợi thế về tài nguyên của đất nước.

4. Sản phẩm của dự án chiếm thị phần chi phối trong nước và xuất khẩu.

Tiêu chí dự án chuyển giao công nghệ được khuyến khích chuyển giao  

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Đáp ứng một trong các yêu cầu về tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao; tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới; tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; bảo vệ sức khỏe con người; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; sản xuất sạch, thân thiện môi trường; phát triển ngành, nghề truyền thống. 

Tiêu chí dự án ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Chủ trì dự án là tổ chức, doanh nghiệp đã tạo ra công nghệ mới hoặc đã     có cam kết được sử dụng công nghệ mới cho dự án và đáp ứng tiêu chí sau:

a) Có đội ngũ chuyên gia công nghệ, năng lực hợp tác và huy động được đội ngũ chuyên gia quản lý, chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản lý và quản trị doanh nghiệp, marketing;

b) Có năng lực huy động vốn ban đầu cho việc ươm tạo công nghệ;

c) Hình thành và đăng ký được doanh nghiệp là doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo đúng quy định hiện hành;

d) Có kế hoạch rõ ràng cho việc tiếp tục các hoạt động đổi mới công nghệ và phát triển doanh nghiệp.

Tiêu chí dự án phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Sản phẩm của dự án từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; có tác động quan trọng trong chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, Bộ, ngành, địa phương, khu vực.

Tiêu chí dự án chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn   

1. Đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Công nghệ được chuyển giao đã được đánh giá, thẩm định để phù hợp với từng vùng sinh thái. Vòng đời của sản phẩm, dịch vụ phải bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

3. Ưu tiên dự án có tác động lan tỏa, có hoạt động hỗ trợ cho việc nhân rộng kết quả của dự án. 

4. Ưu tiên công nghệ tạo ra giống mới có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu vượt trội; lai tạo, cải tạo, nâng cao giá trị kinh tế của giống cây trồng, giống vật nuôi; đổi mới quy trình công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý rừng, khai thác và nuôi trồng thủy sản; công nghệ điều khiển tự động hoặc bán tự động trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc; sản xuất cây trồng an toàn; thâm canh trong trồng trọt, nuôi trồng; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; tạo ra chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại và xử lý môi trường; sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu; cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm truyền thống của làng nghề; sản xuất các chất điều hòa sinh trưởng, chế phẩm sinh học cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi; các bộ kit, các loại vắc-xin, các chất phụ gia phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất vật tư, thiết bị mới trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản; sử dụng hợp lý và tối ưu đất đai và nguồn nước trong sản xuất; tiết kiệm; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; xây dựng và thi công tối ưu các công trình thủy lợi.

Tác giả: natif.vn

Tác giả: natif.vn

Nguồn tin: natif.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Text/HTML

BẢN QUYỀN CỦA SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ QUẢNG NAM
Địa chỉ: 54 Hùng Vương- TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: (0235) 3 702 025
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập